Bạn muốn có khách hàng mới từ Google một cách tự động? Khách hàng gõ từ khoá, tìm thấy bạn trên Google, click vào xem, rồi mua hàng. Làm SEO giúp bạn có cái viễn cảnh như vậy! Xem tiếp để hiểu SEO là gì? Làm SEO là làm gì & Cách để bắt đầu làm SEO hiệu quả nhé …
Với hướng dẫn SEO là gì này, bạn sẽ nắm được một cách tổng quan & trọn vẹn:
- SEO là gì?
- Cái nhìn tổng quan dễ hiểu về SEO
- Làm SEO là làm gì? Cần làm công việc gì để bài viết/sản phẩm lên TOP Google?
- SEO có khó không? Có mất thời gian không? Tốn nhiều tiền không?
- & Các bước để bạn bắt đầu làm SEO hiệu quả cho website của mình
SEO là gì?
SEO là gì?
SEO là viết tắt của Search Engine Optimization (Tối ưu hoá công cụ tìm kiếm). Nó là các quy trình, công việc cần làm để các trang/bài viết trên website tăng thứ hạng xuất hiện trên kết quả tìm kiếm (Google/Bing/…) cho các từ khoá liên quan.
Website của bạn càng có khả năng xuất hiện ở vị trí cao trong kết quả tìm kiếm, thương hiệu / sản phẩm / … của bạn càng có nhiều cơ hội để gây sự chú ý, thu hút đối tượng khách hàng cho công việc kinh doanh của bạn.
Ảnh: Backlinko
Công cụ tìm kiếm thì có nhiều, nhưng tựu chung, thì Google vẫn gần như là “duy nhất” ở Việt Nam. Tối ưu SEO là tối ưu SEO với Google!
Nên tất cả các hướng dẫn về SEO của Đức ở đây, sẽ tập trung vào SEO trên Google.
Thống kê thị phần công cụ tìm kiếm Việt Nam 2020. Nguồn: Statista
SEO là một phần trong SEM (Search Engine Marketing). SEM bao gồm: SEO + Paid Ads (Google Ads / Google Adwords).
Với một website mới toanh, và bạn còn đang chuẩn bị hoặc đang trong quá trình làm SEO, thì Google Ads là giải pháp tạm thời để lên TOP Google cho bạn.
Làm SEO là làm gì?
Làm SEO là bạn sẽ áp dụng các cách thức để bài viết / trang/ sản phẩm của bạn xuất hiện ở vị trí cao trong kết tìm kiếm Google.
Bạn nhập vào từ khoá lên Google để tìm thứ bạn cần. Google trả cho bạn các kết quả.
Có thể trong các kết quả đầu tiên (tối đa là 4) bạn sẽ thấy quảng cáo, tiếp theo đó chính là các bài viết được SEO lên TOP kết quả tìm kiếm Google
Những việc bạn cần làm để bài viết xuất hiện trên TOP đầu kết quả tìm kiếm sẽ gồm:
- Crawl Accessibility – Khiến các bộ máy tìm kiếm (Google, Bing, …) tìm thấy bài viết của bạn để đưa vào kết quả tìm kiếm
- Compelling Content – Viết nội dung bài viết thật thu hút & có giá trị
- Keyword Optimized – Tối ưu bài viết cho một nhóm từ khoá cụ thể mà chủ đề bài viết nói về chúng
- Great User Experience – Tạo cho người xem trải nghiệm tốt trên bài viết & website của bạn
- Share-Worthy Content – Bài viết hữu ích, khiến người khác muốn chia sẻ, trích dẫn nội dung từ nó, giới thiệu nó cho người khác
- Title, URL, description – Tối ưu headline, URL, mô tả bài viết để nhận được tỉ lệ click cao từ kết quả tìm kiếm
- Snippet, schema markup – Tạo cấu trúc bài viết rõ ràng, giúp Google hiểu bài viết của bạn trả lời cho câu hỏi nào
Đó là những gạch đầu dòng giúp bạn có hình dung tổng quan dễ hiểu về SEO là gì. Và đó cũng là cách tiếp cận đúng khi làm SEO một cách hiệu quả.
Còn đi vào chi tiết cách làm SEO, nó khá rộng. Mỗi gạch đầu dòng ở trên, có cả đống thứ chi tiết khác bạn cần học để làm tốt.
Ví dụ về Great User Experience: tạo trải nghiệm người dùng tốt, bạn sẽ cần làm:
- Tăng tốc độ website để người dùng click là xem được ngay nội dung, không phải chờ tải trang lâu
- Giao diện thân thiện với di động, để người xem trên di động xem nội dung dễ dàng, chữ không quá nhỏ chẳng hạn
- Cách viết cuốn hút, khiến người xem theo dõi đến cuối bài viết
- Cấu trúc bài viết rõ ràng, để người xem lướt một vòng là thấy tổng quan bài viết này nói về cái gì
- Internal link hợp lý
- Cấu trúc website rõ ràng
- …
Vì sao đã SEO là phải lên TOP?
67% Lượt click vào kết quả xuất hiện trong kết quả tìm kiếm rớt vào 5 vị trí đầu tiên (theo thống kế từ Neil Patel).
Và tỉ lệ click giảm rất nhanh cho các kết quả ở vị trí thấp hơn. Kết quả ở trang 2 trong kết quả tìm kiếm “gần như” không có lượt click!
Nghĩa là, hoặc là bạn phải lên TOP, hoặc là bạn gần như không nhận được click vào bài viết.
Và tất nhiên, kéo theo đó, là không ai biết tới nội dung hay ho mà bạn viết, và không có khách hàng tiềm năng!
Nhưng đừng lo! Sẽ có cách giúp bạn xuất hiện ở vị trí cao trong kết quả tìm kiếm.
Ví dụ bài viết về chủ đề cách chạy quảng cáo Facebook này của Đức
“Chạy quảng cáo Facebook” là từ khoá chính. Và bài viết này có các từ khoá phụ khác. Và đây là vị trí của chúng trên tìm kiếm Google
- chạy quảng cáo facebook – 6
- chạy quảng cáo facebook hiệu quả – 4
- chạy quảng cáo facebook hiệu quả 2021 – 1
- cách chạy quảng cáo facebook – 6
- cách chạy quảng cáo facebook hiệu quả – 5
- cách chạy quảng cáo facebook hiệu quả 2021 – 1
- hướng dẫn chạy quảng cáo facebook – 3
- tự chạy quảng cáo facebook – 4
- …
Bạn lên Google check lại thử nhé.
Từ khoá chính tạm thời mình chỉ ở vị trí thứ 6. Tối ưu chút nữa là lên TOP 5. Nhưng các từ khoá phụ khác đều nằm ở TOP 5.
Nghĩa là, nếu bạn chưa lên được vị trí cao cho từ khoá chính, thì tối ưu cho các từ khoá phụ sẽ giúp bạn lên TOP nhanh chóng.
SEO để làm gì?
Bạn hình dung đơn giản, website này Đức xây dựng nên để thu hút khách hàng tiềm năng cho các khoá học Online Marketing, quảng cáo online, kinh doanh online & dịch vụ Online Marketing bên Đức.
Thì khi bạn tìm thấy các bài viết trên này của Đức, bạn sẽ biết Đức là ai, đã giúp bạn được gì, và sẽ cung cấp thêm cho bạn những giá trị nào.
Sau đó, ví dụ bạn xem bài viết SEO là gì này, rồi bạn thấy “Uhm hu. Mình cần làm SEO”. Và bạn thấy trên bài viết Đức có để một liên kết dẫn đến một trang “Dịch vụ SEO”.
Bạn thấy hợp lý, bạn trở thành khách hàng của Đức!
Mỗi tháng, có bấy nhiêu đây người tìm từ khoá “SEO là gì” / “SEO” / …
Và nếu bài viết này của Đức lên vị trí cao trên kết quả tìm kiếm Google, sẽ có rất nhiều khách hàng tiềm năng tìm tới dịch vụ của Đức, một cách tự động hoàn toàn.
Việc còn lại của Đức, là làm thế nào để giữ cho bài viết này luôn ở vị trí cao trong kết quả tìm kiếm và quản lý đội nhóm làm dịch vụ cho khách hàng của mình.
SEO hoạt động như thế nào?
Bài viết chuẩn SEO
Để hiểu SEO hoạt động thế nào, bạn cần hiểu cách Google thu thập dữ liệu, lập chỉ mục tất cả các thông tin trên Internet (Google Index).
Một cách dễ hiểu, thì Google sẽ thường xuyên thu thập dữ liệu trên toàn bộ các website đang tồn tại.
Mức độ thường xuyên tuỳ vào website. Website cập nhật thường xuyên, viết bài mới thường xuyên, Google sẽ thu thập dữ liệu thường xuyên hơn.
Và tất cả các dữ liệu này, Google sẽ phân tích, đánh giá, và xem bài viết nào phù hợp với từ khoá nào, và mức độ đáng tin cậy của bài viết đó cao hay thấp, và cả mức độ uy tín của từng website.
Ví dụ, Đức viết rất nhiều bài về chủ đề về SEO, trong đó có bài viết SEO là gì này.
Việc thứ nhất Google sẽ làm: Thu thập dữ liệu trong bài viết SEO là gì này, có nội dung gì (từ tiêu đề, nội dung, hình ảnh, video, …)
Với nội dung đó, thì bài viết này nên được hiển thị cho từ khoá nào, ví dụ bài này sẽ phù hợp để Google hiển thị cho các từ khoá: SEO, SEO là gì, …
Authority – Thẩm quyền, uy tín
Việc thứ hai Google sẽ làm, đó là xem xem eStore có phải là bên đáng tin cậy khi viết về chủ đề này không?
Google dựa vào tín hiệu từ các trang web khác, từ các MXH, từ độ phủ của tên thương hiệu được nhắc đến trên Internet.
- Tín hiệu từ các trang web khác, đó chính là Backlink. Bên nào đó viết cái gì đó, và dẫn nguồn từ eStore Education chẳng hạn
- Bài viết các chủ đề về SEO từ eStore Education được chia sẻ nhiều trên các MXH, được người này gửi tin nhắn cho người kia
- Cái tên eStore Education được nhắc nhiều ở đâu đó trên Internet
- …
Đó là các tín hiệu cho Google thấy “Ah! eStore Education là bên đáng tin cậy về chủ đề SEO, marketing online, digital marketing, … Ok! Cho mày lên đấy!”
Trải nghiệm người dùng
Khi bạn lên rồi, xuất hiện trên kết quả tìm kiếm rồi, Google lại có các tiêu chí khác để đánh giá, bài viết của bạn nên được lên vị trí cao hơn nữa, hay xuống đi cho người khác lên.
Nó nằm ở trải nghiệm mà bạn mang lại cho người dùng!
Vài thông số bạn cần biết:
- Time on page: thời gian người dùng ở lại trên bài viết. Đừng để người dùng click vào là tắt luôn!
- Click through rate (CTR): tỉ lệ click vào bài viết. Ví dụ bạn đang ở vị trí 6, đối thủ ở vị trí 5, nhưng bài của bạn có CTR cao hơn, bạn lên, đối thủ xuống
- Bounce Rate (tỉ lệ thoát): Là tỉ lệ xem tiếp các bài viết khác. Nghĩa là người dùng xem một bài rồi, mà ngon quá, nên xem tiếp 2-3 bài nữa.
- Scroll Depth (tỉ lệ cuộn xuống dưới): Người dùng xem càng sâu xuống dưới bài viết, nó là tín hiệu để Google đánh giá bài viết của bạn tốt cho người dùng. Và bạn lên
- …
Google (và tất cả các công cụ tìm kiếm khác, cả các MXH) đều rất quan tâm đến trải nghiệm người dùng. Bạn mang lại trải nghiệm tốt, là bạn win!
Đó là 3 yếu tố chính quan trọng nhất để định hình hướng đi đúng cho SEO. Còn vài thứ khác nữa, nhưng chỉ là râu ria thôi.
Có nhiều thuật ngữ bạn nghe về SEO là để phục vụ cho các mục đích trên. Ví dụ như:
- Backlink
- Entity SEO
- SEO On-Page
- SEO Off-Page
- Cấu trúc Silo
- Viết bài chuẩn SEO
- …
Xuống tiếp bên dưới, mình sẽ giải thích cặn kẽ cho bạn …
SEO cần làm những việc gì?
Như mình đề cập ở cách SEO hoạt động, bạn cần xây dựng đồng thời 3 yếu tố:
- Nội dung chuẩn SEO => Để Google nhận diện được bài viết của bạn trả lời cho câu hỏi nào
- Xây dựng thẩm quyền của bạn trong chủ đề bạn viết và cho thương hiệu của bạn
- Và mang lại trải nghiệm người dùng tuyệt vời
Và đây là các công việc bạn cần làm cho từng gạch đầu dòng ở trên
Viết bài chuẩn SEO
Để Google hiểu bài viết bạn nói về cái gì, thì nó dựa chính vào từ khoá.
Mật độ từ khoá trong bài viết. Từ khoá trong Healine (tiêu đề chính bài viết). Từ khoá trong SubHeading (tiêu đề phụ). Từ khoá trong hình ảnh.
Và cả từ khoá trong Anchor text ở các Internal link & backlink.
Từ khoá trong tiêu đề chính
Từ khoá trong tiêu đề phụ
Từ khoá trong nội dung bài viết
Từ khoá trong Anchor text từ các link liên kết nội bộ và từ website khác (Backlink)
Đây là chi tiết về cách viết bài chuẩn SEO để bạn tìm hiểu kỹ hơn về chủ đề này
Tăng uy tín, thẩm quyền cho website, bài viết
Thẩm quyền, uy tín của website của bạn là cơ sở để Google đánh giá “Đây có phải là bên uy tín cho nội dung này không?!”
Google không chỉ đơn giản là đưa bài viết chuẩn SEO lên TOP. Mà sẽ có nhiều bài viết chuẩn SEO của nhiều bên khác nhau. Bên nào đáng tin cậy hơn sẽ được ở vị trí cao hơn.
Vì nó là nguồn đáng tin cậy!
Việc xây dựng thẩm quyền, uy tín này nằm nhiều nhất ở Backlink (là liên kết trỏ về website của bạn từ các website khác)
Cho nên khi tìm hiểu về SEO, bạn sẽ thấy người ta toàn nói về Link Building / Build Backlink / Xây dựng Backlink / Mua bán Backlink / …
Vài khái niệm bạn sẽ thấy như dịch vụ Backlink PBN, Backlink báo, tool bắn link, Site vệ tinh, … Chúng là cho mục đích này.
Nhưng hãy cẩn thận!
Google nghiêm cấm mọi hành vi mua bán, trao đổi Backlink!
Vì Backlink là thứ cho Google tín hiệu để đánh giá: “Đây là bài viết, website có nhiều bên dưới thiệu, vote, đề cử, trích dẫn, … Đây là nơi uy tín!”
Và khi bạn đi dùng tool bắn link, mua Backlink, nghĩa là bạn đi đánh lừa hệ thống Google!
Google phát hiện thấy là nó hốt bạn đấy!
Cho nên, khi đi sâu hơn vào lĩnh vực SEO, bạn sẽ biết đến việc mỗi lần Google cập nhật thuật toán, là nhiều bên dở khóc dở cười. Vì traffic đang cao ngút, đột nhiên tụt thê thảm!
Vì Google đã phát hiện thấy, các website đó không hề có thẩm quyền thực tế nhờ thuật toán mới của nó.
Và đây chính là sự phân biệt giữa SEO mũ trắng & SEO mũ đen.
Bên cạnh Backlink, thì yếu tố khác khá quan trọng nữa là Brand Signal (tín hiệu thương hiệu).
Ví dụ website của bạn xuất hiện trên các trang tuyển dụng, được đề cập trên các tờ báo chính thống, … Google sẽ đánh giá là “Ok! Bên này có vẻ uy tín đấy! Lên!”
Mang lại trải nghiệm người dùng tốt
Google đánh giá bài viết như một người dùng thật
Thuật toán Google thiết kế để nó đi thu thập dữ liệu gần như tất cả thông tin trên Internet. Và đánh giá bài viết nào trả lời câu hỏi gì.
Nó là cơ sở đầu tiên đê Google đưa bài viết của bạn xuất hiện trong kết quả tìm kiếm cho một từ khoá.
Và Google cố gắng giả lập thuật toán như thể nó là một người dùng thật.
Người dùng từ lúc tìm một từ khoá, tới lúc thoát khỏi việc tìm kiếm, làm những việc gì thì nó làm y chang, để đánh giá bài viết có phù hợp với từ khoá không.
Hiểu được việc này, bạn sẽ biết cách viết bài chuẩn SEO.
Hiểu tâm lý & Insight người đọc
Bạn tìm từ khoá “SEO là gì”, thì bạn là ai, muốn gì? Bạn là người mới! Gần như chưa biết gì về SEO!
Kết quả tìm kiếm xuất hiện, bạn click vào bài nào? Phụ thuộc vào cái tiêu đề!
Ví dụ: “Cách làm SEO hiệu quả” bạn có click không? No! Bạn chưa biết nó là cái gì thì hiệu quả làm gì?!
Bạn sẽ click vào: “SEO là gì? Làm SEO là làm gì? Cẩm nang cho ngưới mới”
Bạn sẽ đoán: “Ah! Trong này chắc là hướng dẫn dễ hiểu. Vì viết cho người mới”
Khi vào bài viết rồi, bạn sẽ “scan” đoạn đầu tiên của bài viết, thấy “ah có vẻ đúng thứ mình cần”
Bạn sẽ lướt tiếp xuống bên dưới, xem các SubHeading xem nó nói về cái gì, đúng kỳ vọng về thứ bạn đang tìm kiếm không.
“Oh! Đúng rồi!” Thế là bạn kéo ngược lên lại và bắt đầu đọc từ đầu!
Nó chính là hành trình trải nghiệm người dùng Google.
Khi bạn hiểu được hành trình này, và mỗi khâu, bạn làm đúng, chắc chắc bạn sẽ mang lại trải nghiệm người dùng tuyệt vời.
Ví dụ viết tiêu đề sao để có CTR cao.
Viết Intro (đoạn mở đầu) thế nào để khiến người ta xem tới cuối bài viết
…
Nó vừa mang tính kỹ thuật, và cũng vừa là nghệ thuật viết lách.
Làm SEO bao lâu thì lên TOP?
SEO khá mất thời gian để khoản đầu tư của bạn mang lại kết quả rõ ràng về đơn hàng, doanh thu lợi nhuận.
Khi mới bắt đầu làm SEO, bạn sẽ cần đầu tư viết bài liên tục. Tầm 3 tháng là bạn bắt đầu thấy các bài viết của mình xuất hiện trên các vị trí cao trên Google nếu bạn làm tốt.
Sau thời gian viết bài số lượng lớn trong giai đoạn đầu, bạn có thể giảm tần suất ra bài viết mới. Nhưng quan trọng là phải đều đặn. Mỗi tuần 1 bài cũng ok, nhưng tuần nào cũng phải có.
Sau đó là công việc xây dựng Backlink, xây dựng các kênh MXH, tạo tín hiệu cho Brand, …
Thông thường thì mất ít nhất 6 tháng, bạn sẽ thấy những thành quả mang lại từ SEO.
Cho nên, đây là một sự đầu tư tương đối dài hạn.
Có nên đầu tư cho SEO?
SEO luôn là một lựa chọn tốt trong dài hạn cho hoạt động kinh doanh của bạn.
Với công việc kinh doanh, thì bạn nên cân nhắc:
- Chạy các loại hình quảng cáo để kiếm đơn hàng mới online nhanh chóng: Facebook, Google Ads, Youtube Ads, …
- Và làm SEO song song để có được khách hàng mới từ Google
Bạn cứ hình dung, bạn tìm thấy bài viết này của mình, bạn xem xong bạn đánh giá “Ông này chắc là làm SEO tốt lắm nè”. Ví dụ vậy!
Rồi bạn thấy cái link dịch vụ SEO / khoá học SEO bên mình, thế là bạn tham gia, vậy là mình bán được sản phẩm một cách thụ động.
Rõ ràng là, bạn bỏ tiền chạy quảng cáo cũng là đầu tư vậy. Chỉ khác là đầu tư cái thu tiền liền, nên bạn khoái hơn.
Còn đầu tư cho SEO thì chậm thu lại tiền hơn. Nhưng khi bạn SEO thành công rồi, thì phê lắm!
Cách làm SEO nào rẻ nhất?
Khi bạn tìm thử một vòng các dịch vụ SEO, bạn sẽ thấy nó khá đắt đỏ. Vài ba trăm triệu cho gói SEO tổng thể là chuyện thường!
Có cách nào làm SEO rẻ hơn không?
Có! Đơn giản là bạn làm Content Marketing thôi! (SEO On-Page)
Content Marketing ở đây gồm:
- Viết bài chuẩn SEO, chất lượng cho website của bạn
- Làm content trên các MXH, Blog 2.0 kéo traffic về cho các bài viết
- Kèm vài thủ thuật, tư duy đúng nữa là bạn lên TOP!
Không cần phải xây dựng Backlink này kia rất tốn kém!
Đó là cách làm SEO rẻ nhất! Và là cách Đức đang áp dụng cho các Blog của mình.
Nếu bạn tự viết bài, thì tốn cơm thôi.
Còn đi thuê viết, thì phải tìm được bên biết cách làm, cách viết & hiểu rõ về SEO.
Làm SEO rồi làm gì tiếp để có khách hàng?
Đưa bài viết lên TOP kết quả tìm kiếm Google là một chuyện, biến người xem các bài viết thành khách hàng lại là chuyện khác.
Lúc này, bạn sẽ phải tối ưu chuyển đổi trên website (Conversion Optimization)
Đó là cách bạn điều hướng người xem một cách khéo léo & thông minh vào các trang bán hàng!
Bạn làm việc đó bằng cách:
- Chèn các liên kết nội bộ điều hướng người xem đến các bước tiếp theo
- Bắt giữ người xem bằng Email Marketing, biến người lạ thành người quen & thành khách hàng trung thành
- Sử dụng Chatbot như một giải pháp song song với Email Marketing
- Chạy Remarketing trên các kênh Facebook, Google, Youtube, …
- …
Các thuật ngữ chính trong SEO
Ok! Mình nghĩ giờ bạn có hình dung tổng thể & dễ hiểu về SEO ở trên rồi. Giờ mình đi vào chuyên môn một chút nhé.
Người mới rất hay khó hiểu với các thuật ngữ trong SEO (như mình đã từng).
SEO OnPage
SEO OnPage là tất cả những việc bạn có thể thực hiện, tối ưu ngay trên website của mình một cách hoàn toàn chủ động.
Đó là các công việc:
- Viết bài chuẩn SEO
- Tối ưu Headline,
- SubHeading H2, H3, …
- Đoạn mô tả Meta
- Mật độ từ khoá
- Từ khoá liên quan, từ khoá chuyên sâu
- Tối ưu khả năng dễ đọc
- Internal Link
- Outbound link
- …
- Tối ưu trải nghiệm người dùng
- Tăng CTR
- Tăng time on page
- Giảm Bounce rảte
- Tăng tốc độ tải trang
- Website thân thiện di động
- …
- Viết bài thu hút, theo giọng văn riêng & thú vị
- Đảm bảo bảo mật https cho website (ssl)
- …
Nói chung là, SEO On-Page quan trọng nhất là Content chất lượng chuẩn SEO!
SEO Off-Page
SEO Off-Page là các hoạt động không nằm trên website của bạn, mà được thực hiện ở các bên khác: đi Backlink, hoạt động trên các mạng xã hội, blog vệ tinh, … để tăng thẩm quyền, uy tín cho website, thương hiệu của bạn.
Mục đích quan trọng nhất của SEO OffPage chính là tăng thẩm quyền, uy tín cho website của bạn.
Bên cạnh đó, là tăng traffic. Một bên nào đó, trong bài viêt của họ, có giới thiệu bạn như một nguồn thông tin bổ sung, người xem click vào, bạn có thêm traffic.
Với SEO OffPage thì thứ quan trọng nhất là Backlink. Càng nhiều website có nội dung, chủ đề, danh mục liên quan trỏ link về bài viết trên website của bạn, bạn sẽ được Google đánh giá cao.
Thẩm quyền website của bạn, thẩm quyền của bài viết được trỏ về sẽ tăng lên.
Và tất nhiên là Google sẽ ưu tiên hiển thị lên kết quả tìm kiếm những website có thẩm quyền cao.
Backlink
Backlink là các liên kết (link) từ website của bạn được đặt đâu đó trên các website khác.
Ví dụ các bên copy bài tử eStore Education, thì tất cả hình ảnh trên đó sẽ có link trỏ về eStore Education, dù bên copy có xoá/thay đổi toàn bộ link nội bộ trên bài viết
Đây là bài về Facebook Ads một bên khác copy từ mình
Hay bên nào đó, sử dụng một hình ảnh nào đó từ eStore Education, họ có thể lấy ảnh đó, và có thể dẫn nguồn dưới bức ảnh.
Hoặc bạn có thể trở thành nguồn bổ sung thông tin hữu ích trên một bài viết nào đó của ai đó.
Nó chính là các Backlink chất lượng nhất. Và Google khoái nhất. Thẩm quyền website của bạn sẽ tăng rất nhanh với các loại Backlink như vậy.
Có các kiểu đi Backlink khác, đó là đi mua Backlink, đặt link trên các trang web có yếu tố Spam cao để lấy cho thật nhiều Link.
Đó là cách mà Google rất ghét! Bạn làm quá là nó cấm website của bạn khỏi kết quả tìm kiếm của Google luôn.
Nên phần Backlink này chính là nơi chia ra SEO mũ trắng & SEO mũ đen.
SEO mũ trắng chính là bạn làm Content thật chất lượng, khiến các bên khác tự động muốn link tới bạn như một nguồn tham khảo, hoặc sử dụng tài nguyên của bạn trên website của bạn (hình ảnh chẳng hạn)
SEO Entity
Entity nghĩa là thực thể.
Tạo Entity trong SEO là bạn làm cho thương hiệu, bài viết, chủ đề, … của bạn trở nên dễ dàng nhận diện, dễ hiểu trong mắt Google.
Bạn hình dung đơn giản là Google muốn hiểu thế giới như một con người. Nói đến Barack Obama, là nó hiểu ngay, đó là cựu Tổng thống Mỹ, có vợ là bà …, đang ở …, đã từng học …
Obama là người quá nổi tiếng, được đề cập rất nhiều trên báo chí, mạng xã hội, các website, …
Nên Google dễ dàng nhận diện được ngay Obama là ai, và hiển thị thông tin liên quan lên kết quả tìm kiếm khi bạn tìm “Obama”.
eStore Education cũng là một Entity, được sáng lập bởi Hoàng Việt Đức ở Việt Nam, có các tài khoản mạng xã hội là …, là chuyên gia trong các lĩnh vực …, viết về các chủ đề là …, …
Google nhận diện thực thể như thế nào?
Ví dụ đơn giản, một chuyên gia Digital Marketing nào đấy, hay là chuyên gia về Facebook Ads, nói về eStore Education như là một bên đào tạo Facebook Ads uy tín trên thị trường.
Thì Google sẽ có thêm cơ sở để hiểu rằng eStore Education (thực thể tổ chức) giỏi về Facebook Ads (thực thể danh mục, nội dung).
Càng nhiều giới thiệu như vậy, từ các nguồn càng uy tín, thì các từ khoá về Facebook Ads, các bài viết trên eStore Education sẽ lên vị trí cao!
Và còn nhiề u thứ khác nữa trong cách tạo Entity trong SEO.
Content chuẩn SEO
Viết Content chuẩn SEO là nền tảng cơ bản nhất & quan trọng nhất giúp bạn lên TOP Google nhanh chóng.
Đây là thứ đầu tiên bạn cần học khi bắt đầu làm SEO cho website của mình.
Bạn sẽ cần tối ưu các yếu tố:
- Nghiên cứu từ khoá
- Headline
- SubHeading
- Mật độ từ khoá
- Thẻ meta
- Alt text trong hình ảnh
- Internal link
- Outbound link
- URL
- …
Có công cụ giúp bạn kiểm tra độ chuẩn SEO bài viết của mình. Trong đó nổi tiếng và & phổ biến là Yoast SEO.
Đây là công cụ miễn phí (có cả bản tính phí) giúp bạn đảm bảo các yếu tố trong bài viết của mình đáp ứng các yêu cầu về SEO.
Chi tiết về công cụ này, bạn xem ở:
=> Yoast SEO là gì? Cài đặt & cách sử dụng tối ưu SEO OnPage
SEO mũ đen & mũ trắng
SEO mũ trắng là bạn xây dựng Content hữu ích, có giá trị cao. Nhờ đó, bạn trở thành bên uy tín trong mắt các Blogger, các quản trị viên website khác.
Họ dùng Content của bạn như một nguồn uy tín để trích dẫn, lấy hình ảnh, … Từ đó bạn có được Backlink chất lượng cao một cách tự nhiên.
Hay các nội dung của bạn quá hay, và người đọc không thể không chia sẻ lên các trang MXH. Google nhận thấy tín hiệu đó, sẽ đánh giá cao bạn.
Ngược lại, SEO mũ đen lại không tập trung vào Content chất lượng, mà đi dùng các thủ thuật để đánh lừa hệ thống Google.
Ví dụ họ đi mua Backlink, dùng các công cụ bắn Link khắp nơi trên Internet để làm website có vẻ có thẩm quyền.
Nhưng đó là cách bạn không nên làm! Vì mỗi lần tới đợt Google Update thuật toán, bạn chết vì đau tim đấy!
Quy trình các bước làm SEO
Để bắt đầu làm SEO cho website của mình, bạn sẽ tiến hành các bước làm SEO như bên dưới
Bước 1: Nghiên cứu từ khoá
Đây là khâu rất quan trọng trong các bước làm SEO. Bạn sẽ không muốn viết thứ mà chẳng mấy ai tìm kiếm trên Google đâu!
Hoặc bạn viết cho từ khoá A, người ta lại tìm từ khoá B, cuối cùng là không bao giờ bạn xuất hiện trên Google.
Nghiên cứu từ khoá có ba mục đích:
- Tìm kiếm ý tưởng viết bài
- Kiểm tra dung lượng tìm kiếm từ khoá hàng tháng trên Google
- Và kiểm tra Insight tìm kiếm (Search Intent)
Bạn sẽ cần vài thủ thuật và công cụ để làm tốt bước này.
Về công cụ nghiên cứu từ khoá, bạn có thể dùng các công cụ chuyên nghiệp như:
- Ahrefs (có phí)
- Semrush (có phí)
- Keyword Planner của quảng cáo Google Ads (miễn phí)
- Keywordtool.io (miễn phí có giới hạn)
- Keyword Everywhere
Bước 2: Xây dựng nội dung chuẩn SEO
Khi đã có danh sách từ khoá, bạn sẽ bắt đầu xây dựng nội dung cho website của mình. Và nội dung đó phải thật hữu ích & chuẩn SEO ngay từ đầu.
Ví dụ khi mình viết bài này “SEO Là Gì? Làm SEO Là Làm Gì? [Cẩm Nang Cho Người Mới]”, là mình sẽ cover toàn bộ những thứ mà người mới tìm hiểu về SEO cần.
Càng đầy đủ càng tốt. Trước hết là để giúp bạn giải quyết vấn đề của mình, sau là để lên TOP Google.
Bạn chú ý: Giúp người đọc trước! Giúp họ giải quyết trọn vẹn vấn đề của mình! Đó chính là bí quyết làm SEO hiệu quả nhất!
Cho nên trong SEO, “Content is king!”
Xem thêm:
Bước 3: Tối ưu SEO OnPage
Viết Content chuẩn SEO ở trên chính là một bước quan trọng trong tối ưu SEO OnPage.
Bên cạnh đó, bạn cũng cấn tạo cấu trúc website hợp lý. Cấu trúc website tối ưu nhất & được dân SEO dùng nhiều nhất là cấu trúc Silo.
Ngoài ra, bạn sẽ cần: tối ưu link nội bộ (Internal link), tăng tốc độ website, tăng trải nghiệm người dùng trên website, make up cho website thật chuyên nghiệp
Xem thêm:
=> Thrive Theme: Theme wordpress tăng tốc độ website & tối ưu chuyển đổi
Bước 4: Xây dựng sự hiện diện của website trên không gian mạng
Đây là khâu giúp Google thấy tín hiệu thương hiệu của bạn (Brand Signal).
Khi bạn xuất hiện trên hầu hết các nền tảng MXH, hoạt động năng nổ trên đó, được nhiều tương tác, các trang MXH chính thức như Fanpage nhiều lượt Like, … Google sẽ đánh giá bạn cao hơn & dễ cho bạn lên TOP hơn.
Hay những nơi khác như các trang vàng liệt kê thông tin công ty, có địa điểm chính thức trên Google Map, …
Bạn càng phủ rộng & tích cực trên các nền tảng online, tín hiệu thương hiệu của bạn càng cao, và càng tăng thẩm quyền, uy tín của bạn trong mắt Google.
Bước 5: Xây dựng Backlink
Backlink là thứ rất giá trị cho website của bạn. Vì Google đánh giá nó rất cao.
Nhưng đây là công đoạn khó nhất.
Không đơn giản để bạn có được Backlink từ các trang web khác, và đặc biệt là các website cùng chủ đề, hoặc có chủ đề có tương đồng với website của bạn một cách tự nhiên.
Mua Backlink thì mình khuyên là, bạn đừng làm nếu bạn muốn phát triển SEO lâu dài.
Còn để có Backlink một cách tự nhiên, thì có vài cách cho bạn:
- Tạo các Infographic, visual content. Đây là những nội dung các trang khác rất dễ copy, và dẫn link về bài viết gốc
- Các nghiên cứu gốc. Ví dụ những biểu đồ thống kê bạn tự thực hiện. Ai đó sẽ cần và dẫn nguồn từ bài viết của bạn
- Content TOP list. Ví dụ “7 công cụ làm SEO hiệu quả nhất toàn cầu”. Đây là loại content dễ được share và có link về
- Utimate Guide (Epic Content): Kiểu như bài này, viết toàn tập về SEO cho người mới. Độ dài trên 5000 từ. Ai đó sẽ viết cái gì đó, và có SEO trong đó, họ có thể dẫn link về bài này để giải thích kỹ hơn cho độc giả.
- Guest Post: Đi viết bài cho người ta (trên website của người ta) và lấy link về website của bạn
- …
Bên cạnh việc tạo Linkable Content (bản thân content khiến người ta muốn link về), thì bạn cũng có thể chủ động đi tìm các bên có thể link về các bài viét của bạn & đề nghị quản trị viên website làm việc đó.
Đó là những cách xây dựng Backlink hiệu quả nhất & an toàn nhất trong SEO.
Bước 6: Đo lường hiệu quả và tối ưu nâng cao
Sau khi bài viết của bạn đã có được lượt click, truy cập từ trên Google, bước tiếp theo là bạn cần đo lường trải nghiệm người dùng, và tối ưu bài viết để nó lên liên tục.
Viết xong rồi thả đó kệ nó, là nó sẽ rơi tự do!
Để đo lường, Google Analytics & Google Search Console là hai công cụ tốt nhất & miễn phí Google cung cấp cho bạn.
Bạn sẽ cần đo lường:
- CTR
- Time on page
- Bounce rate
- Scroll Depth
- …
Các con số biết nói, và sẽ cho bạn biết đâu là điểm bạn cần cải thiện để bài viết lên vị trí cao hơn
Bước 7: Tối ưu chuyển đổi khách hàng
Có traffic chỉ là lời mở đầu của câu chuyện!
Khi đã có traffic cho website từ việc làm SEO, bạn sẽ đối mặt với bài toán tối ưu chuyển đổi trên website (CRO – Conversion Rate Optimization)
Làm thế nào để chuyển đổi với tỉ lệ cao nhất người ghé thăm website của bạn thành khách hàng?
Bước này không còn là bước làm SEO nữa, mà là bước làm Marketing!
Bạn sẽ dùng tới:
- Email Marketing
- Chatbot Marketing
- Remarketing
- Copywriting
- Landing Page
- …
Để dẫn dắn người xem đến bước cuối cùng của SEO: khách hàng!
Đến lượt bạn làm SEO hiệu quả
Ok! Bài viết khá dài này, mình đã cố gắng cover cho bạn một cách đơn giản, dễ hiểu nhất về SEO là gì, làm SEO là làm gì, và các bước làm SEO cho người mới bắt đầu, để bạn có hình dung cụ thể để tiến hành.
Có thứ gì bạn thấy thiếu thiếu trong bài viết này không? Góp ý giúp mình bên dưới comment nhé! Hoặc bạn có câu hỏi cần hỗ trợ, để lại bên dưới cho Đức nhé.
Về SEO, thì nó là mảng khá khó & rộng, tốn kém, mất thời gian nữa!
Nhưng kết quả nó mang lại, thì rất đáng để bạn đầu tư cho nó!
Bạn muốn học cách làm SEO, mình gợi ý là hãy follow hai tay SEOer giỏi nhất thế giới: Neil Patel từ neilpatel.com & Brian Dean từ Backlinko
Những chia sẻ trên Blog, Youtube của hai trùm SEOer này, sẽ giúp bạn nắm được các bước làm SEO, cách làm SEO mũ trắng, chính thống rất hay ho.
Ok! Chúc bạn bắt đầu làm SEO thuận lợi! Mình kết ở đây nhé!
Cheers!
Hoàng Việt Đức
Group Facebook: Khởi Nghiệp Kinh Doanh – Học Tập & Chia Sẻ
Youtube: Hoàng Việt Đức Youtube Channel
Cảm ơn anh Đức về bài viết vô cùng dễ hiểu này về SEO ạ. Sau khi đọc thì có một đoạn em vô cùng thắc mắc về Backlink mà anh viết, cụ thể là: “Ví dụ các bên copy bài tử eStore Education, thì tất cả hình ảnh trên đó sẽ có link trỏ về eStore Education, dù bên copy có xoá/thay đổi toàn bộ link nội bộ trên bài viết.” thì em vẫn chưa hình dung là link sẽ trỏ về bài viết gốc như thế nào khi mà họ đã thay đổi toàn bộ link và copy content chữ thôi ấy. Mong là anh Đức có thể giải thích thêm chỗ này nếu có thể ạ.
Thường là link hình ảnh vẫn còn, và anchor text chính là alt text của hình ảnh. Vẫn có một số bên remove link ở hình ảnh. Nhưng với mình thì không quan trọng lắm. Google biết bài của mình là gốc, được bên khác lấy (dù không dẫn nguồn), là đủ tăng authority rồi